Kiểm soát các khoản thua lỗ luôn là vấn đề khó khăn đối với mọi trader. Dù bạn có một hệ thống giao dịch tốt đã đem về lợi nhuận cho bạ...
Kiểm soát các khoản thua lỗ luôn là vấn đề khó khăn đối với mọi trader. Dù bạn có một hệ thống giao dịch tốt đã đem về lợi nhuận cho bạn trong thời gian dài, không có gì trong thị trường tài chính này đảm bảo rằng bạn sẽ không bị thua lỗ, thậm chí là liên tục thua lỗ.
Bản năng tự nhiên của con người là chốt lãi thì nhanh, nhưng cắt lỗ rất chậm chạp. Vì sao? Vì họ mong giá sẽ quay lại điểm breakeven (hòa vốn). Khi giá trượt đi cuốn theo toàn bộ lãi kiếm được trước đó, sau đó giá biến động tới một mức không thể chịu được nữa, anh ta phải cut loss với một khoản lỗ lớn, thậm chí có thể khiến tài khoản sụt giảm tới mức khó có thể khôi phục trở lại.
Nói như vậy để thấy, tuân thủ kỷ luật và quản trị rủi ro là điều bắt buộc phải học để trở thành một trader chuyên nghiệp.
1. Nguyên tắc kiểm soát rủi ro
1.1. Quy tắc 2%
Một nhà giao dịch nghiệp dư có thể (và rất thường xuyên) vào lệnh và không có nguyên tắc kiểm soát rủi ro nào. Anh ta có thể đánh mất 1/4, thậm chí 1/2 tài khoản chỉ với một lệnh duy nhất. Từ đó dẫn đến mất niềm tin, sợ hãi thị trường.
Làm thế nào để cứu lại tài khoản khi đã bị âm mất 1/2? Câu trả lời nghe rất đơn giản nhưng thực hiện không hề đơn giản chút nào: Đó là hãy tuân thủ Quy tắc 2%.
Quy tắc 2% không cho phép bạn đặt cược mức rủi ro nhiều hơn 2% tổng vốn trong mỗi một lệnh giao dịch.
Hãy xem ví dụ sau: Giả sử hệ thống giao dịch của bạn gặp vấn đề, bạn thua lỗ 19 lệnh liên tiếp. Hãy xem bảng so sánh dưới đây để xem vốn của bạn còn bao nhiêu khi áp dụng Quy tắc 2% cho mỗi giao dịch, so với mức chịu rủi ro 10% tổng vốn.
![]() |
Quản trị rủi ro với quy tắc 2% |
Đây là một ví dụ rất điển hình mà bạn sẽ bắt gặp ở rất nhiều website tài chính, forex… trên mạng. Nhưng nó lại rất xác đáng, rất thấm thía, và nói bao nhiêu lần cũng là không đủ.
Bạn có thể thấy trong hình, nếu như áp dụng Quy tắc 2%, số vốn ban đầu 20.000 đô-la của bạn còn lại 13.903 đô-la, tức bạn mất đi 30% tổng vốn sau 19 lệnh lỗ liên tiếp – không dễ chịu chút nào. Nhưng nhìn sang bảng 10% thì sao? Bạn chỉ còn 3.002 đô-la, tức bạn đã đánh mất 85% tài sản. Thật kinh khủng phải không?
Hãy luôn nhớ, một hệ thống giao dịch tốt đem lại lợi nhuận trong thời gian dài, hay bạn có khả năng phân tích thị trường tốt và vào lệnh win tới 70-80%, những yếu tố đó không đảm bảo sự thành công lâu dài của bạn. Bản thân bạn đã từng vào những lệnh lãi 20, 30%, thậm chí 50% tài khoản chưa? Rồi tới cuối tháng tổng kết, cuối cùng vẫn lỗ? Với thị trường forex, không gì là không thể. Hãy giảm thiểu rủi ro của tính ngẫu nhiên ngắn hạn mà thị trường đem lại cho bạn bằng Quy tắc 2%, bạn sẽ hưởng trái ngọt trong dài hạn.
1.2. Quy tắc 6%
Bạn đã áp dụng triệt để Quy tắc 2%, kết quả đã khả quan hơn? Nhưng mặc dù đã giảm thiểu thua lỗ, tài khoản của bạn vẫn bị âm một con số không nhỏ? Hãy xem xét tới quy tắc quản trị rủi ro thứ hai, đó là quy tắc 6%.
Lý do tại sao bạn đã áp dụng Quy tắc 2% nhưng vẫn để thua lỗ nhiều? Đáp án tới từ tâm lý do áp lực mất tiền gây ra. Khi trader bị mất tiền, anh ta sẽ cố gắng vào lệnh mới với đòn bẩy / lot lớn hơn, nhằm nhanh chóng gỡ lại số tiền bị mất. Áp lực tâm lý sẽ làm lu mờ ý chí, khiến anh ta mắc nhiều sai lầm hơn, tất nhiên cũng dẫn tới thua lỗ nhiều hơn.
Giải pháp là gì? Hãy dừng giao dịch và suy nghĩ. Lúc này, hãy áp dụng Quy tắc 6%:
Quy tắc 6% cho phép mức sụt giảm tối đa tài khoản của bạn là 6% trong một tháng.
Nếu bạn đã bị thâm hụt 6% tài khoản, hãy dừng giao dịch trong tháng đó. Quy tắc này giúp bạn có thời gian để bình tĩnh nhìn nhận lại bản thân cũng như thị trường, rút ra bài học, và quan trọng nhất là bảo toàn vốn. Nếu không, bạn sẽ bị tâm lý của chính mình giết chết trước khi thị trường dìm bạn chết.
2. Hồi phục sau một đợt sụt giảm tài khoản (Drawdown)
2.1. Drawdown là gì?
Drawdown là mức sụt giảm vốn của tài khoản từ mức đỉnh đến mức đáy trong một khoảng thời gian nhất định. Drawdown thường được ghi dưới dạng tỷ lệ % so với số vốn trước đó.
Công thức tính drawdown = số vốn sụt giảm mạnh nhất trong kỳ (đáy vốn – đỉnh vốn) / số vốn đầu tư ở mức đỉnh của kỳ.
Ví dụ: Bạn khởi đầu với số vốn đầu tư là 10.000 đô-la. Hệ thống giao dịch tốt đem đến cho bạn lợi nhuận trong thời gian dài, bạn nâng tổng số vốn lên 20.000 đô-la. Sau đó bạn tự tin và tăng đòn bẩy lên, thị trường đi ngược kỳ vọng và bạn thua lỗ, chỉ còn lại 8.000 đô-la, và kết thúc kỳ bạn nâng được số vốn lên 11.000 đô-la. So với số vốn ban đầu, bạn lãi 10%, nhưng tỷ lệ drawdown được tính từ mức vốn đáy so với mức vốn đỉnh, tức 8.000 so với 20.000 đô-la, tức mức drawdown của tài khoạn của bạn là 8.000/20.000 = 40%.
2.2. Ý nghĩa của Drawdown
Tỷ lệ drawdown cho thấy mức rủi ro trong quản lý vốn của bạn. Như trong ví dụ ở trên, mức drawdown trong kỳ 40% cho thấy hệ thống của trader đó rất bất ổn, có những lúc anh ta đã để bay mất 60% vốn của mình. Nên nhớ, nếu mất đi 50% tài khoản, bạn phải làm lại 100% mới hồi được số vốn ban đầu. Vì vậy, hãy quản lý rủi ro chặt chẽ, tránh sụt giảm tài khoản tối đa có thể.
2.3. Làm thế nào để hồi phục sau một đợt sụt giảm tài khoản?
Điều kiện tiên quyết chính là bạn phải tránh được sụt giảm tối đa, hay nói cách khác là thực hiện nghiêm chỉnh Quy tắc 2% và Quy tắc 6%. Nếu bạn đã có kỹ năng, hay có một hệ thống giao dịch tốt, nó sẽ lại đem lại cho bạn lợi nhuận trong những tháng tiếp theo. Tài khoản của bạn sẽ sớm hồi phục và có lãi.
Hãy luôn nhớ, song hành cùng quản lý rủi ro, hãy trau dồi kiến thức trading, rèn luyện tâm lý giao dịch để xây dựng phương pháp giao dịch đem lại lợi nhuận tốt cho bạn trong chặng đường dài.
COMMENTS